Xúc tiến thương mại là gì? Các hoạt động xúc tiến thương mại theo pháp luật Việt Nam
I. Xúc tiến thương mại là gì?
1.1 Xúc tiến thương mại là gì?
Theo khoản 10 Điều 3 Luật Thương mại 2005, Xúc tiến thương mại (trade promotion) là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
Mục đích của hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của thương nhân hiệu quả hơn.
1.2 Quy định chung về xúc tiến thương mại
Hoạt động này có thể do các thương nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ tự tiến hành để quảng bá, giới thiệu về hàng hoá, dịch vụ của mình và cũng có thể được tiến hành bởi các thương nhân chuyên kinh doanh dịch vụ xúc tiến thương mại. Ngoài ra xúc tiến thương mại còn có thể là hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ. Xúc tiến thương mại là hoạt động bổ trợ, được thực hiện không phải để trực tiếp tiêu thụ hàng hoá dịch vụ mà gúp phần làm cho hành vi mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại diễn ra thuận lợi hơn. Xúc tiến thương mại là hành vi hướng tới sự tiêu dùng của xã hội.
Luật thương mại năm 1997 trước kia và luật thương mại năm 2005 hiện nay quy định các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bảy giới thiệu hàng hoá, hội chợ, triển lãm thương mại.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định của Chính phủ số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 thì Bộ công thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lí nhà nước về công nghiệp và thương mại. Phạm vi chức năng quản lí nhà nước của Bộ công thương liên quan đến kinh tế đối ngoại có các lĩnh vực: hội nhập kinh tế quốc tế; xuất, nhập khẩu, thương.
Cạnh tranh là vấn đề tất yếu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Trong cuộc ganh đua đó, các doanh nghiệp sử dụng mọi giải pháp để tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội bán hàng và cung ứng dịch vụ như: tuyên truyền, giới thiệu, khuếch trương hàng hoá dịch vụ, tổ chức việc bán hàng có giảm giá, phát quà tặng… Các hoạt động này được gọi là xúc tiến thương mại và là một quá trình tất yếu mà doanh nghiệp tiến hành để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Quá trình này do thương nhân tự tổ chức thực hiện hoặc thông qua dịch vụ xúc tiến thương mại do thương nhân khác cung ứng.
1.3 Đặc điểm pháp lý của hoạt động xúc tiến thương mại
Hoạt động xúc tiến thương mại có những đặc điểm pháp lý chủ yếu như sau:
+ Về tính chất: Xúc tiến thương mại là một loại hoạt động thương mại. Đặc điểm này cho phép khẳng định, xúc tiến thương mại (cũng như các hoạt động thương mại khác) là hoạt động nhằm mục đích sinh lời và thường do thương nhân thực hiện. Tuy nhiên, khác biệt với các loại hoạt động thương mại khác, xúc tiến thương mại có ý nghĩa hỗ frợ cho hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hay các hoạt động thương mại có mục đích sinh lời khác, tạo cơ hội khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động này thực hiện với hiệu quả cao nhất.
+ Về chủ thể: Do xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, nên chủ thể thực hiện nó chủ yếu là thương nhân (người bán hàng, người cung ứng dịch vụ hoặc là người kinh doanh dịch vụ xúc tiến thương mại), bởi trong kinh doanh, việc thương nhân thực hiện các hành động tự tạo cơ hội cho minh để cạnh tranh thành công là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, do đặc thù của các hình thức xúc tiến thương mại, có những tổ chức, cá nhân (không phải là thương nhân) cũng tham gia vào hoạt động này với những vai trò nhất định như người phát hành quảng cáo (ví dụ: cơ quan báo chí trong quan hệ phát hành sản phẩm quảng cáo) hay người cho thuê phương tiện quảng cáo… Họ trở thành chủ thể tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân và là “các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại”, chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.
+ Về mục đích: Xúc tiến thương mại nhằm mục đích trực tiếp là tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, cơ hội đầu tư và thông qua đó, nhằm đáp ứng mục đích lợi nhuận của thương nhân, về mặt lý luận, hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và hoạt động đầu tư mang bản chất khác nhau nhưng các biện pháp, cách thức để xúc tiến quá trình đó có rất nhiều nét tương đồng. Trong mọi trường hợp, các biện pháp thông tin, quảng cáo, triển lãm… nhằm giới thiệu, khuếch trương cho thương nhân , và hoạt động thương mại của họ đều mang lại hiệu quả phát triển thương mại, bao gồm cả đầu tư.
+ Về cách thức xúc tiến thương mại: Do có đối tượng áp dụng luật thương mại chủ yếu là thương nhân nên pháp luật thương mại chỉ quy định các cách thức xúc tiến thương mại do thương nhân tiến hành, bao gồm việc thương nhân tự mình xúc tiến thương mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện dịch vụ xúc tiến thương mại cho mình, với các hoạt động cụ thể: khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
II. Các hoạt động xúc tiến thương mại
2.1. Hoạt động khuyến mại
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Cụ thể, thương nhân thực hiện khuyến mại là thương nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh;
– Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
(Điều 88 Luật Thương mại 2005)
Các hình thức khuyến mại được thương nhân áp dụng được quy định tại Điều 92 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:
– Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
– Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
– Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
– Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
– Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
– Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.
2.2. Hoạt động quảng cáo thương mại
Theo Điều 102 Luật Thương mại 2005, Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình.
Trong đó, các phương tiện thực hiện quảng cáo thương mại bao gồm:
– Các phương tiện thông tin đại chúng;
– Các phương tiện truyền tin;
– Các loại xuất bản phẩm;
– Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác;
– Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.
(Khoản 2 Điều 106 Luật Thương mại 2005)
2.3. Hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân dùng hàng hoá, dịch vụ và tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để giới thiệu với khách hàng về hàng hoá, dịch vụ đó.
Các hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
– Mở phòng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
– Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tại các trung tâm thương mại hoặc trong các hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, nghệ thuật.
– Tổ chức hội nghị, hội thảo có trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ.
– Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ trên Internet và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
(Điều 117, Điều 120 Luật Thương mại 2005)
2.4. Hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại
Theo Điều 129 Luật Thương mại 2005, hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.